Nghề làm nước mắm Phú Quốc trở thành Di sản văn hóa phi vật thể

Nghề làm nước mắm Phú Quốc vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch ký quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhà thùng ở Phú Quốc.
Nhà thùng ở Phú Quốc.

Nghề làm nước mắm Phú Quốc đã có từ lâu đời, và là một nét độc đáo trong đời sống người dân Phú Quốc nói riêng và đời sống người dân Kiên Giang nói chung. Nghề làm nước mắm Phú Quốc gắn liền với sự hình thành và phát triển của Phú Quốc từ khi còn là một huyện đảo hẻo lánh đến khi rực rỡ một thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.

Trong quyết định số 1730/ QĐ- BVHTTDL được ban hành ngày 27/5/2021, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch quyết định: “Đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian – Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc”.

Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dù đã có sự co cụm do quá trình phát triển du lịch với tốc độ chóng mặt, nhưng hiện tại Phú Quốc vẫn có hơn 100 cơ sở sản xuất nước mắm tập trung chủ yếu ở Dương Đông và An Thới, ước tính sản lượng trên 10 triệu lít/năm.

Ở Phú Quốc, có những gia đình làm nghề nước mắm cha truyền con nối và giữ vững tiếng tăm từ đời này sang đời khác. Những cơ sở sản xuất nước mắm, được gọi là gọi là nhà thùng.

Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng nhờ độ đạm cao, vị dịu ngọt, thơm mùi cá cơm Sọc Tiêu đặc sản chỉ riêng Phú Quốc mới có.

Mùa đánh bắt cá cơm Sọc Tiêu chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm. Khi lưới cá vừa được kéo lên, sẽ được vớt bằng vợt, loại bỏ tạp chất và rửa bằng nước biển, sau đó trộn ngay với muối với tỷ lệ 3 cá 1 muối, rồi đưa xuống hầm tàu. Cách trộn cá tươi như vậy giữ cho thịt cá không bị phân huỷ, nước mắm có hàm lượng đạm cao nhất, không có mùi hôi.

Tôn vinh nghề làm nước mắm càng tăng thêm giá trị văn hóa của thành phố đảo Phú Quốc.
Tôn vinh nghề làm nước mắm càng tăng thêm giá trị văn hóa của thành phố đảo Phú Quốc.

Quy trình ủ chượp tiêu chuẩn của nước mắm Phú Quốc là 12 tháng. Sau đó, nước mắm mới được rút ra theo thứ tự, ban đầu là nước mắm cốt có độ đạm trên 30, tiếp đến là nước mắm long có độ đạm trên 20. Sau khi đã kéo rút kiệt đạm trong chượp, các loại nước mắm được trộn lại để có độ đạm cao nhất theo phương pháp tự nhiên.

Theo bà Nguyễn Thị Diệp Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Kiên Giang thì Nghề làm nước mắm Phú Quốc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Kiên Giang.

Vào tháng 7/2020, làng nghề nước mắm Nam Ô ở Đà Nẵng cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *