Ngăn bông bóng bất động sản ở Phú Quốc

Từ trước khi chính thức lên thành phố, đất nền Phú Quốc đã rục rịch tăng giá. Nay nhiều doanh nghiệp, tiểu thương bắt đầu nỗi lo khó kinh doanh vì chi phí mặt bằng tăng.

Ngăn giá đất ảo ở Phú Quốc - Ảnh 1.
Giá nhà đất ở Phú Quốc tăng nóng trong thời gian qua


Để bất động sản tăng giá rất cần có hoạt động đầu tư. Nhưng Phú Quốc có bài học đắt giá ở giai đoạn 2015 -2018 khi thị trường nóng đột biến, có nguy cơ “bong bóng”.

Nguyễn Văn Đính (phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VN)

Nguy cơ ảnh hưởng đến đầu tư quá mức lại được gióng lên, trong khi chính quyền cho hay sẽ cố gắng ngăn “bong bóng” bất động sản.

Cho giá nhưng chưa… bán

Hẹn gặp nhau tại quán cà phê ở phường Dương Đông (trung tâm thành phố đảo Phú Quốc), anh T. – chuyên môi giới bất động sản – phân trần làm nghề này cả chục năm nay, chưa thấy tình trạng lạ lùng như hiện nay: giá đất vô chừng vô lối. Như ở phường An Thới, giá trục chính khoảng 1 tỉ đồng/1m ngang, gần chợ An Thới tới 2 tỉ/1m ngang. Gần tới trung tâm đảo khỏi hỏi vì không biết giá nào để mua, mà cũng không còn đất để mua.

Qua điện thoại, bà Bảy (tự xưng có 5 miếng đất vườn ở Dương Tơ) thận trọng: “Hổm rày Hà Nội (người nói giọng miền Bắc) hỏi nhiều lắm mà tui chưa có ra, giá 4-8 tỉ đồng/miếng tùy vị trí. Mà đất chưa chuyển thổ cư nghe (tức đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm chưa chuyển mục đích sử dụng thành đất ở – PV)”.

Anh L., người chuyên về bất động sản lớn khác ở Phú Quốc, khẳng định: “Phú Quốc bây giờ là thành phố siêu kết nối”, rồi mở điện thoại chỉ một số miếng đất tiềm năng với giá ngất ngưởng. Anh chắc giọng: “Mấy miếng đất này đang nhích giá từng ngày, mấy ông coi chốt được thì bỏ cọc rồi nhận giấy trước, sang tên từ từ mình làm sau”.

Nhà đầu tư gặp khó

Ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng Ban quản lý đầu tư – phát triển đảo Phú Quốc (trực thuộc UBND tỉnh Kiên Giang), cho biết số liệu giật mình: hiện chỉ có 48/327 dự án được chấp thuận chủ trương đi vào hoạt động. Cái này có nguyên nhân do vướng đền bù giải tỏa.

Trở ngại lớn trong đền bù là người dân có đất khiếu nại vì giá ở Phú Quốc đã qua ít nhất 3 lần sốt. Giá tăng, người dân cũng yêu cầu giá đền bù tăng theo. Gần như dự án nào khi thu hồi đất cũng vướng khiếu nại của dân, phải điều chỉnh giá rất nhiêu khê.

Bà S., có khoảng 3ha đất bãi biển ở xã Dương Tơ, cho biết cách đây 8 năm, UBND huyện (nay là thành phố) Phú Quốc thông báo bà nhận tiền đền bù khu đất khoảng 1 tỉ đồng. Trong khi số tiền bà bỏ ra mua khu đất này trước đó 7 năm đã gần 2 tỉ đồng. Theo bà, giá thực tế hiện tại của khu đất này cả trăm tỉ đồng không có mà mua. Bà cương quyết không giao đất, mà sẽ khiếu nại để… tự đầu tư dự án theo quy hoạch.

Giá đất tăng không chỉ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư lớn, mà cả những người thuê mặt bằng kinh doanh, buôn bán cũng gặp khó. Chị T.A., thuê mặt bằng gần chợ An Thới để bán bạc trang sức, cho hay trước khi lên thành phố giá thuê là 8 triệu đồng/tháng. Vừa lên thành phố, chủ nhà thông báo tăng thêm 2 triệu, “không hiểu tại sao luôn” – chị than.

Anh N., thuê kiôt bán hủ tiếu, cà phê gần cảng An Thới, cũng bức xúc vừa phải nộp thêm tiền mới giữ được chỗ kinh doanh kiếm sống qua ngày. Giá thuê tăng từ 5 lên 6 triệu đồng/tháng, trong khi giá bán mỗi ly cà phê, tô hủ tiếu không thể tăng mạnh như thế.

Một doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho hay nếu chi phí mặt bằng ở Phú Quốc cứ tăng thế này, có nguy cơ anh phải dừng đầu tư, tìm nơi khác.

Trước thực trạng này, ông Phùng Quốc Bình, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, xác nhận nhiệm vụ quan trọng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao các sở, ngành chức năng cùng UBND thành phố Phú Quốc là kiểm soát chặt thị trường bất động sản. Sẽ quản lý chặt chẽ quy hoạch, xây dựng đô thị, không để xảy ra sốt giá đất ảo như thời gian vừa qua nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *