Tiêu chín đỏ rụng đầy gốc nhưng nhiều hộ không thuê được nhân công vì giá thuê cao mà giá bán ra thì lại quá thấp.
Việc giá hồ tiêu giảm mạnh khiến nhiều nông dân ở thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) gặp rất nhiều khó khăn nên không còn mặn mà để đầu tư trồng mới. Diện tích hồ tiêu toàn đảo đang giảm mạnh, chỉ còn khoảng 300 hécta.
4 năm liên tục giậm chân tại chỗ
Trong vòng 4 năm trở lại đây, người trồng tiêu trên đảo Phú Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giá hạt tiêu giảm mạnh khiến người nông dân không còn mặn mà để đầu tư trồng mới. Theo ghi nhận của PV Lao Động, thời điểm hiện nay, giá tiêu đen bán cho thương lái chỉ từ 55.000-60.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân chỉ cố gắng duy trì số gốc tiêu hiện có để… chờ thời.
Khi PV đến thăm các hộ trồng tiêu ở xã Cửa Dương, ông Tống Hưng ToL (cư ngụ tổ 3, ấp Suối Cát) cho biết nghề trồng tiêu của gia đình là cha truyền con nối, riêng ông cũng tiếp tục theo nghề được gần 40 năm nay. Ông Tol buồn bã nhớ lại thời hoàng kim của tiêu, mỗi năm gia đình ông đều trồng tăng lên và có thời điểm lên tới 4.000 bụi, thu hoạch với sản lượng khoảng 6 tấn.
Tuy nhiên trong vòng 4 năm trở lại đây, giá hạt tiêu giảm mạnh, cây tiêu nhà ông cũng giảm hiện chỉ còn 3.000 bụi, thu hoạch với khoảng 4 tấn. Ông Tol chia sẻ: “Giờ làm cầm chừng chứ không trồng mới, không đầu tư gì nữa. Trừ chi phí thì mỗi vụ, tôi phải bù lỗ có khi gần 200 triệu đồng. Nghề truyền thống mấy đời nay nên tôi vẫn cố bám trụ cây tiêu, mong chờ ngày giá tiêu khởi sắc”.
Cùng tình cảnh trên, gia đình ông Nguyễn Văn Phước (cư ngụ ấp Suối Cát, xã Cửa Dương) cho biết trước đây nhà ông trồng khoảng 2.500 bụi tiêu, thu hoạch mỗi năm gần 3 tấn tiêu hạt. Hiện nay, số bụi chỉ còn 2.000, sản lượng hơn 1 tấn. Theo ông Phước, nguyên nhân là do nhà nông ít đầu tư chăm sóc nên năng suất giảm và cũng không trồng mới vì thua lỗ quá. Ông Phước tâm sự: “Vụ mùa năm nay, tiêu vừa rớt giá lại thất mùa mà cũng không có người hái tiêu. Đây là tình trạng chung của nhiều hộ trồng tiêu trên đảo chứ không riêng tôi. Sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu không có lợi nhuận mà còn thua lỗ. Nhưng mà nghề truyền thống thì ai cũng muốn giữ vì nó còn là cái tên đặc trưng của vùng đảo Phú Quốc từ bao đời nay”.
Ước mong giữ được nghề truyền thống
Hiện nay, nông dân Phú Quốc đang vào vụ thu hoạch hồ tiêu, có nhiều vườn tiêu đang rơi vào tình trạng chín đỏ và rụng đầy gốc. Theo chia sẻ của nhiều hộ trồng tiêu trên đảo, dù giá thấp, thua lỗ nhưng đa phần các hộ vẫn mong ước giữ được nghề của ông cha truyền lại. Không chỉ vậy, hồ tiêu Phú Quốc còn là cái tên đặc sản không chỉ trong nước mà còn được bạn bè thế giới biết đến.
Trước tình hình giá tiêu như hiện nay, Hội Nông dân xã Cửa Dương đã khuyến khích và động viên nông dân trồng tiêu, tích cực chăm sóc và giữ vững cây tiêu truyền thống của đảo. Ông Lê Thanh Huy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cửa Dương – cho biết: “Hội Nông dân mong bà con hãy cố gắng duy trì và chia sẻ khó khăn chung do tình hình dịch bệnh hiện nay. Chúng ta đang xây dựng và phát triển mạnh thành phố du lịch thì sắp tới sẽ gắn nông nghiệp với dịch vụ du lịch. Chúng tôi sẽ có những đề xuất để giúp bà con giữ vững được nghề trồng tiêu truyền thống”.
Hồ tiêu vốn là cây chủ lực của ngành nông nghiệp TP.Phú Quốc. Hiện nay, khi tiêu rớt giá đã khiến các chủ vườn tiêu trên đảo gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê nhân công cũng như nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất. Do đó, để giúp cây tiêu không bị mai một, người nông dân mong muốn các cơ quan chức năng cần có những giải pháp tìm kiếm thị trường tiêu thụ hạt tiêu, giúp nông dân có đầu ra, bảo đảm giá bán có lãi để nông dân yên tâm, gắn bó lâu dài với cây tiêu. Có như vậy mới mong giữ vững và phát triển tốt loại đặc sản truyền thống của đảo ngọc Phú Quốc.
Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025, Phú Quốc phải bảo đảm giữ 500ha cây tiêu phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích hồ tiêu trên đảo đang giảm mạnh hơn 40%. Theo thống kê, hiện nay cây hồ tiêu của thành phố Phú Quốc chỉ còn khoảng 300ha nằm rải rác ở các xã Cửa Dương, Cửa Cạn và một phần 2 xã Bãi Thơm, Dương Tơ. Trong đó, xã Cửa Dương có số lượng diện tích hồ tiêu lớn nhất nhưng đến nay cũng giảm mạnh từ 132,2ha năm 2019 đến năm 2021 còn 85ha tiêu.NGUYÊN ANH – NGÂN NGUYỄN