Vượt qua lộ trình đô thị hóa tuần tự, “đặc cách” từ huyện đảo, đô thị cấp thị trấn tiến thẳng lên đô thị loại II năm 2014 và tháng 12.2020 được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang, trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, Phú Quốc đã đi đúng “quỹ đạo định mệnh” của mình.
Cần có cơ chế khuyến khích “Đại bàng Việt Nam” phát triển
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên đã nhận định như vậy tại hội thảo “Phú Quốc: Đón vận hội – Dẫn lối thành công” vừa diễn ra tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 10.1.2021. Hội thảo diễn ra tại khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Nam Phú Quốc do Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức.
Ông Trần Đình Thiên cho biết: “Trước đây, tôi và các thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã từng hô hào rất nhiều để kêu gọi các “Đại bàng quốc tế” đến Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế kiểm nghiệm cho thấy, “Đại bàng quốc tế” đến nước ta chưa chắc đã đẻ trứng mà còn quắp trứng mang đi. Vấn đề hiện nay là cần nhìn nhận lại vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước và cần có cơ chế khuyến khích tích cực để thúc đẩy những “con sếu Việt Nam đầu đàn” vững mạnh, những nhân tố quyết định sự hùng cường của đất nước”
Phú Quốc đón nhận danh hiệu Thành phố đảo – đô thị cấp II với các điều kiện năng lực đã được chuẩn bị sẵn sàng, trong đó có 3 yếu tố vượt trội là không gian, hạ tầng đô thị du lịch biển đảo; hạ tầng giao thông kết nối và thu hút đầu tư. Nhấn mạnh không gian, hạ tầng đô thị du lịch biển đảo hiện đại đã định hình và phát triển mạnh mẽ ở nơi đây. Hàng loạt những doanh nghiệp “Đại bàng quốc tịch Việt” đã phát triển những hệ thống hạ tầng du lịch lưu trú như Sun Group với hàng loạt công trình lộng lẫy và bề thế, các tập đoàn tư nhân nội như Vin Group và nhiều chủ đầu tư khác đã tạo dựng những tiêu chuẩn sống đẳng cấp, chất lượng nhất của loài người trên thế giới. Với những cam kết đầu tư và phát triển dài hạn, hướng tới đẳng cấp cao nhất, cộng với uy tín của mình là điều kiện nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy Phú Quốc tiếp tục phát triển vượt trội trong giai đoạn tới.
PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất cần có chính sách khuyến khích tích cực đối với các “Đại bàng Việt Nam”
Đối với thành phố này, yếu tố quan trọng nhất với “Đại bàng Việt” là môi trường đầu tư trong lành, ổn định. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh chức năng, tư cách, vai trò tự chủ của chính quyền thành phố biển đảo trong quan điểm giữa Trung ương và địa phương. Rồi vị thế của chính quyền này cần có quyền, có lực, có điều kiện tự chủ để bảo đảm tính sáng tạo, tính tiếp cận đến những cái cao nhất. Chứ nếu để cho người phía trong đất liền quyết định cách Phú Quốc chơi với những người sang trọng nhất thế giới là không được. Ông Trần Đình Thiên cho rằng đã đến lúc phải tính đến các bước “phân quyền – trao quyền – trao trách nhiệm” cho cơ quan thành phố đảo phù hợp với chức năng, vị thế và vai trò của thành phố.
Đặt vấn đề cần tháo gỡ các trói buộc, thay đổi các cơ chế, chính sách PGS.TS Trần Đình Thiên đề nghị: “Cần định hình rõ hơn nữa hệ thống khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn, những “Con đại bàng Việt Nam” đến làm tổ và dựng nghiệp ở Phú Quốc, với những cam kết mạnh mẽ và xứng tầm”. “Muốn làm gì thì làm, Phú Quốc phải trở thành trung tâm hội tụ các nguồn lực phát triển, và đấy phải là nguồn lực chất lượng nhất, tốt nhất. Muốn vậy, hệ thống thể chế, hệ thống chính sách phải có giá trị khuyến khích cao nhất”, ông Trần Đình Thiên nói.
Ở thời điểm này, Phú Quốc rất cần có những sáng tạo đột phá trong quy hoạch, những cách làm hay và khác biệt, để có thể vững bước tiến tới đích đến to lớn là trở thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và cả nước, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế, thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu tại hội thảo
Phát triển đô thị bền vững ở thành phố Phú Quốc
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung khẳng định: “Việc Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với sự phát triển của đảo Ngọc theo mô hình chính quyền đô thị. Cánh cửa mới đã mở ra, vận hội mới đã đến, từ đó tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, trung tâm dịch vụ công cộng, thương mại – tài chính quốc tế, cảng quốc tế, trung tâm tiếp vận, khu phi thuế quan…”
Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch, lộ trình phát triển cũng như nghiên cứu, đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách nổi trội để thành phố Phú Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong đó có việc đón đầu, định hướng cho phát triển bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng, để thành phố Phú Quốc thật sự trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và cả nước, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế; đặc biệt từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường, thân thiện và an toàn.
Phát triển đô thị bền vững cũng chính là bài toán được đặt ra hiện nay dành cho Phú Quốc
Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Phú Quốc là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển đô thị cụ thể, rõ ràng để khắc phục những tiêu chí còn thiếu, còn yếu; phát triển và khai thác các điểm mạnh để thành phố Phú Quốc đạt các tiêu chí đô thị loại I vào giai đoạn 2021 – 2025. Với quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 là khoảng 500.000 – 550.000 người, phát triển đô thị bền vững cũng chính là bài toán được đặt ra hiện nay dành cho Phú Quốc. Trong đó, 2 phường Dương Đông và An Thới, đặc biệt là An Thới với nhiều dư địa về quỹ đất (34km2 – gấp hơn 2 lần Dương Đông), cảnh quan thiên nhiên, lợi thế đi sau về quy hoạch được đặt kỳ vọng sẽ trở thành phân khu đô thị kiểu mẫu, nâng tầm diện mạo thành phố.
Thương hiệu đảo tỉ phú thế giới
Hiện nay, Phú Quốc đang hội tụ nhiều tiềm năng, đặc biệt ở thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch nhờ sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Sun Group, Vin Group, BIM Group, CEO Group…, với nhiều dự án tầm cỡ, quy mô hàng nghìn tỉ đồng, đặc biệt có hệ sinh thái trị giá nhiều tỉ USD ở Nam Phú Quốc do Tập đoàn Sun Group phát triển. Thêm “cú hích” từ việc Phú Quốc trở thành thành phố, bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội đầu tư, sinh lời hấp dẫn, đầy triển vọng cho các nhà đầu tư, kinh doanh.
KTS. Hồ Thiệu Trị, đại diện cho đơn vị đảm nhiệm vai trò quy hoạch Nam Phú Quốc đưa ra những định hướng quy hoạch phát triển cho khu vực này đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emeral Bay tại Nam đảo Ngọc.
Theo đó, Nam đảo sẽ phát triển theo mô hình thành phố cảng, lấy Cảng hàng hóa quốc tế An Thới làm động lực phát triển kinh tế; tạo các khu vực tự do thương mại quốc tế, phi thuế quan; thung lũng công nghệ cao 4.0 làm tiền đề, động lực phát triển công nghệ và thành phố thông minh. Đồng thời, tạo chuỗi các thành phố khác biệt với các tính chất riêng như thành phố khai phóng, thành phố nghệ thuật, thành phố văn hóa và lễ hội, thành phố sinh thái, thành phố thông minh, thành phố năng lượng.
KTS. Hồ Thiệu Trị nhấn mạnh, Nam đảo có lợi thế tạo lập chuỗi các resort nghỉ dưỡng với tính chất khác biệt, như khu đảo trong đảo siêu cao cấp, đảo Hòn Thơm với định vị trở thành một thương hiệu đảo tỉ phú. Nam Phú Quốc cũng rất phù hợp để quy hoạch trung tâm đô thị nén, mật độ cao với đa sắc thái và năng động 24/7, bên cạnh đó là một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Cùng với du lịch, hạ tầng đô thị, lĩnh vực bất động sản cũng được các chuyên gia dự báo sẽ bứt tốc sau bước ngoặt Phú Quốc lên thành phố.
Đời sống người dân sẽ thay đổi khi Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên
Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam Đặng Phương Hằng thì đề xuất: “Mô hình phát triển các hệ sinh thái du lịch “tất cả trong một”, gồm 3 “chân kiềng” du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản cao cấp phù hợp với định hướng đưa Phú Quốc trở thành thành phố đáng sống, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Do đó, thời gian tới, phân khúc bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục “thăng hoa” ở Phú Quốc, với dư địa phát triển dồi dào ở Nam đảo – trung tâm mới của thành phố biển đảo”.
Tương lai kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ, đô thị, bất động sản Phú Quốc vô cùng sáng lạn khi có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn. Đầu tư kiến tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh, với những tính toán lâu dài về quy mô tăng dân số cũng như tăng trưởng du khách tại một đô thị du lịch như Nam đảo, với những quy hoạch bài bản tầm cỡ quốc tế là hướng phát triển đô thị bền vững mà Tập đoàn Sun Group đang theo đuổi tại Nam đảo.
Đảo Ngọc Phú Quốc sẽ là một trung tâm nghỉ dưỡng du lịch đẳng cấp quốc tế
Trong tham luận về bài toán phát triển đô thị bền vững khi Phú Quốc lên thành phố, bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Sun Property Group đề xuất, để vươn tới tầm vóc của những đô thị đảo quốc tế, Phú Quốc cần học hỏi hình mẫu đô thị thịnh vượng của Singapore – một quốc gia có tốc độ đô thị hóa kinh ngạc nhưng vẫn mang lại cho người dân cuộc sống chất lượng cao, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững. Hiện Sun Group đã và đang làm việc với đơn vị quy hoạch để xây dựng cấu phần cần thiết phù hợp với chức năng đô thị phía Nam thành phố, gồm cả khu thấp tầng và cao tầng trong tương lai, các tổ hợp dịch vụ thương mại tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế ấn tượng… Mục tiêu đặt ra không chỉ đưa Nam đảo thành tâm điểm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí xứng tầm quốc tế, mà còn đón đầu bước chuyển đổi lớn về quy mô dân số, cơ cấu kinh tế của Phú Quốc.