Lãnh đạo TP Phú Quốc có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang xem xét, trình các bộ, ngành, Chính phủ cho phép hòn đảo này tạm ngưng nhận các chuyến bay nội địa để phòng dịch.
Ngày 6-6, ông Tống Phước Trường, bí thư thành phố Phú Quốc, cho hay chính quyền địa phương này vừa có văn bản trình UBND tỉnh Kiên Giang xem xét kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ cho phép hòn đảo này tạm dừng đón các chuyến bay chở khách nội địa, đặc biệt là các chuyến bay chở khách từ các tỉnh, thành phố đang có dịch.
Theo ông Trường, xuất phát từ việc nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có các ổ dịch lớn, chuỗi lây nhiễm phức tạp, một số tỉnh khu vực ĐBSCL cũng đã có ca COVID-19 trong cộng đồng nên “để đảm bảo an toàn tuyệt đối”, Phú Quốc mới có văn bản kiến nghị như trên.
“Hiện tại mỗi ngày cũng chỉ có 1, 2 chuyến bay nội địa từ Hà Nội, TP.HCM tới Phú Quốc nên có dừng cũng không ảnh hưởng gì lớn. Trong khi đó, nếu để có ca lây nhiễm thì sẽ phải phong tỏa nhiều nơi trên đảo” – ông Trường nói.
Về đề nghị tạm dừng đón các chuyến bay nội địa của Phú Quốc, ông Lê Việt Bắc, giám đốc Sở GTVT Kiên Giang – cho rằng đề xuất này sẽ do UBND tỉnh xem xét, thẩm quyền thuộc Bộ GTVT quyết định có ngưng hay không.
Tuy nhiên, ông Bắc nói rằng trên thực tế việc điều hành bay hay dừng đã có phương án cụ thể tùy theo diễn biến dịch bệnh COVID-19, nếu tình hình chưa tới mức phải dừng bay mà vẫn cho dừng thì sẽ khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Liên quan tới tình hình kiều bào Việt Nam từ Campuchia trở về nước để tránh dịch và tìm việc làm qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, ông Lê Quốc Anh – bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Hà Tiên – cho biết hiện tại mỗi ngày có 50 – 70 kiều bào về nước được đưa vào các khu cách ly ở đây. Cá biệt có ngày có tới 179 người nhập cảnh khai báo y tế.
Hà Tiên hiện đang cách ly gần 400 người, trong khi tổng công suất các khu cách ly tập trung tại đây chỉ có khoảng 720 người, khu điều trị có thể tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân COVID-19.
“Chúng tôi đang tìm cách tuyên truyền để bà con kiều bào có về nước thì chia bớt ra các cửa khẩu khác dọc tuyến biên giới Tây Nam, vì nếu cứ đà này Hà Tiên sẽ không còn chỗ tiếp nhận” – ông Quốc Anh nói.
Bác sĩ Cao Thành Nam, giám đốc CDC Kiên Giang, cho biết thêm hiện bệnh viện dã chiến lập tại Hà Tiên đã sẵn sàng đi vào hoạt động với công suất 400 giường, có thể nâng lên 500 giường khi cần thiết. Đồng thời, bệnh viện này có khả năng tiếp nhận điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân COVID-19 tình trạng nặng.
Về khả năng cách ly, ông Nam cho hay ngoài Hà Tiên, CDC Kiên Giang đã sẵn sàng chuẩn bị thêm các khu cách ly tập trung tại tuyến sau như Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất nên việc quá tải hiện chưa có khả năng xảy ra.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ KHOA NAM